13/07/2017 03:17:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Theo số liệu thống kê, vùng biển Việt Nam có trên 2.450 loài cá, gồm nhiều bộ, họ khác nhau, với trữ lượng lớn, trong đó có khoảng 110 loài cho giá trị kinh tế cao. Vì thế, khai thác và xuất khẩu hải sản đã, đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Hằng năm, sản lượng đánh bắt hải sản ước đạt 2,5 triệu tấn, chiếm 92,6% tổng lượng khai thác thủy sản toàn quốc, góp phần quan trọng vào phát triển nền kinh tế quốc dân. Năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung, nhưng sản lượng khai thác hải sản vẫn đạt 2,87 triệu tấn, vượt 14,5% kế hoạch. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc khai thác hải sản có chiều hướng giảm cả về số lượng và chất lượng. Trước tình hình đó, ngành Thủy sản xác định: để giữ vững, từng bước nâng cao sản lượng, chất lượng khai thác hải sản, cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
1. Tổ chức lại sản xuất trên vùng biển khơi. Trên cơ sở quy hoạch khai thác hải sản vùng biển xa bờ đã được phê duyệt, tiến hành rà soát, thống kê số lượng tàu khai thác tối đa trên từng vùng biển, theo nhóm nghề, đối tượng khai thác. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch quản lý, khai thác hải sản ở vùng khơi theo hạn ngạch, phân bổ giấy phép khai thác cho các địa phương theo nghề, phù hợp với khả năng khai thác của từng vùng biển. Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện hình thức tổ chức sản xuất trên biển (theo chuỗi); nhân rộng các mô hình tổ chức liên kết sản xuất trên biển, như: tổ, đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; mô hình liên kết giữa ngư dân với các tổ chức, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản, v.v. Tăng cường tổ chức thực hiện một số hoạt động phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất thủy sản, như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ở vùng biển xa bờ; điều tra, dự báo ngư trường khai thác hải sản để từ đó phát hành các bản tin dự báo ngư trường một cách chính xác.
2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các địa phương cần có kế hoạch quản lý tàu cá, đề xuất tổ chức, quản lý việc đóng mới tàu cá khai thác hải sản vùng xa bờ theo giấy phép được cấp và quy hoạch phát triển tàu đã được phê duyệt. Chú trọng các giải pháp quản lý, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển; nâng cao năng lực cho công tác đăng kiểm tàu cá từ Trung ương đến các địa phương, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa tàu cá, nhất là đối với các đội tàu đánh bắt xa bờ. Tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, nâng cao trình độ cho đội ngũ đăng kiểm viên tàu cá.
3. Tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa môi trường và tìm kiếm cứu nạn. Đẩy mạnh phối hợp giữa các địa phương, lực lượng có liên quan để chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai, thảm họa môi trường, tìm kiếm cứu nạn trên biển; thường xuyên duy trì đường dây nóng giữa Việt Nam với các nước trong hoạt động thu thập, chia sẻ thông tin và phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề phát sinh về khai thác thủy sản trên các vùng biển.
Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt ngay từ đầu năm, cùng với các giải pháp đồng bộ, thiết thực trên, sẽ đảm bảo duy trì tốc độ tăng trưởng sản lượng đánh bắt, giá trị xuất khẩu và sự phát triển bền vững của ngành khai thác hải sản năm 2017.
Xã Tam Quang (huyện Núi Thành) là một trong những địa phương đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam xây dựng mô hình tổ đoàn kết sản xuất trên biển. (Ảnh: baoquangnam.vn)
Hoàng Minh