01/04/2016 01:57:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ở bên dưới các vùng biển đó.
Tổng quan đảo Lý Sơn của Việt Nam.
Các quy ước có tính quốc tế liên quan đến biển đã hình thành từ rất sớm, ngay trong thời kỳ cổ đại. Đến thế kỷ XIII, một số nguyên tắc về luật biển đã xuất hiện và phổ biến ở Bắc Âu, Địa Trung Hải. Vào thế kỷ XVII, Luật Biển bắt đầu được khái quát, tổng kết một cách có hệ thống.
Hội nghị quốc tế đầu tiên về Luật Biển được Hội Quốc liên triệu tập năm 1930 tại La Hay (Hà Lan) để bàn luận, xây dựng các quy định quốc tế về quy chế lãnh hải, chống cướp biển và các nguyên tắc sử dụng tài nguyên thiên nhiên của biển. Do có nhiều mâu thuẫn giữa các quốc gia tham gia hội nghị về chiều rộng lãnh hải nên Hội nghị La Hay năm 1930 chưa đạt được kết quả cụ thể nào.
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), Liên Hợp quốc được thành lập để giữ gìn hòa bình, ngăn chặn chiến tranh và giải quyết các vấn đề quốc tế. Năm 1958, Liên Hợp quốc triệu tập Hội nghị lần thứ nhất về Luật Biển tại Geneve (Thụy Sĩ). Hội nghị này đã thông qua 4 công ước quốc tế đầu tiên về luật biển là: Công ước về Lãnh hải và vùng tiếp giáp; Công ước về Biển cả; Công ước về đánh cá và bảo tồn tài nguyên nguyên sinh vật của biển cả và Công ước về thềm lục địa.
Ngày 15/3/1960, Liên Hợp quốc tiếp tục triệu tập Hội nghị Luật Biển lần thứ II tại Geneve (Thụy Sĩ). Nhưng do có nhiều bất đông nên hội nghị này đã không đạt được kết quả nào đáng kể.
Đến năm 1973, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã được chính thức triệu tập. Qua 9 năm thương lượng (từ năm 1973 đến năm 1982) với 11 khóa họp, Hội nghị của Liên Hợp quốc về Luật Biển lần thứ 3 đã thông qua các công ước mới về Luật Biển ngày 30/4/1982 với 130 phiếu thuận, 4 phiếu trống, 17 phiếu trắng và 2 nước không tham gia bỏ phiếu. Ngày 10/12/1982, 107 quốc gia và lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã chính thức ký kết Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển tại Montego Bay (Jamaica).
Đến tháng 11/1996 đã có 108 nước phê chuẩn, Công ước có hiệu lực từ ngày 16/11/1994.
Quá trình soạn thảo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trải qua 2 giai đoạn cơ bản là giai đoạn chuẩn bị và giai đoạn đàm phán trong hội nghị, xây dựng liên tục nhiều bản dự thảo Công ước, cho đến lễ ký kết Công ước diễn ra từ ngày 07/12/1982 đến ngày 10/12/1982 tại Montego Bay (Jamaica).
Theo Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia ven biển có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải của mình, chủ quyền này cũng được mở rộng vùng trời ở bên trên đến vùng đay biển và lòng đất dưới đay biển ở bên dưới các vùng biển đó.
Điều 8, khoản 1 Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 định nghĩa nội thủy là “các vùng nước ở bên trong đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải”. Trong vùng nội thủy, các quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ như trên lãnh thổ của mình. Tàu thuyền nước ngoài muốn ra vào vùng nội thủy phải xin phép quốc gia ven biển và phải tuân theo luật lệ của quốc gia đó.
Lãnh hải hay còn gọi là “vùng nước lãnh thổ” là một dải biển ven bờ nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ đất liền hoặc nội thủy của quốc gia ven biển, có chiều rộng nhất định tính từ đường cơ sở của quốc gia đó và thuộc chủ quyền hoàn của quốc gia ven biển. Chủ quyền này được mở rộng và áp dụng đối với cả vùng trời trên lãnh hải, cũng như đối với đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải.
Tuy nhiên, do yêu cầu, tính chất truyền thống của lãnh hải quốc tế, luật pháp quốc tế trù định quyền của mọi loại tàu, thuyền của tất cả các quốc gia được đi qua không gây hại trong lãnh hải của quốc gia ven biển với điều kiện không gây ảnh hưởng đến hòa bình, trật tự, an ninh và môi trường của quốc gia ven biển. Cần lưu ý là quyền đi qua không gây hại không được áp dụng đối với vùng trời trên lãnh hải. Phương tiện bay nước ngoài muốn bay qua vùng trời trên lãnh hải của một quốc gia ven biển phải xin phép nước ven biển đó.
Đối với quốc gia quần đảo, lãnh hải nằm ngoài và tiếp liền với lãnh thổ và vùng nước quần đảo của quốc gia quần đảo đó.
Đối với các đảo riêng biệt, đáp ứng đúng định nghĩa đảo nêu trong luật pháp quốc tế (Điều 121, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982) thuộc về một quốc gia ven biển, nhưng nằm ngoài phạm vi lãnh hải của quốc gia đó, thì lãnh hải của từng đảo này cũng được xác định như trên.
Đại đa số quốc gia trên thế giới quy định chiều rộng lãnh hải từ 3 – 12 hải lý. Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 quy định chiều rộng lãnh hải của quốc gia ven biển không vượt quá 12 hải lý, kể từ đường cơ sở được vạch ra theo đúng Công ước.