Eo biển quốc tế và các quy chế pháp lý của eo biển quốc tế được quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982

15/04/2016 01:49:00 PM

(Canhsatbien.vn) - 

Eo biển quốc tế là tuyến đường biển tự nhiên nối các biển, các đại dương với nhau và được sử dụng cho giao thông hàng hải quốc tế. Eo biển có thể nối liền các vùng biển có chế độ pháp lý khác nhau như biển cả, vùng đặc quyền kinh tế hay lãnh hải với biển cả hoặc vùng đặc quyền kinh tế khác. Theo Điều 37 Công ước Luật Biển 1982, eo biển dùng cho hàng hải quốc tế được hiểu là eo biển nằm giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.

Eo biển Hormuz là tuyến vận tải biển chiến lược nằm giữa vịnh Péc-xích và vịnh Oman.

Quy chế pháp lý của eo biển quốc tế

Điều 34 Công ước Luật Biển 1982 quy định: chế độ đi qua các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế không ảnh hưởng gì, về bất cứ phương diện nào khác, đến chế độ pháp lý của các vùng nước các eo biển này, cũng như đến việc các quốc gia ven eo biển thực hiện chủ quyền hay quyền tài phán của mình ở các vùng nước ấy, ở đáy biển tương ứng và lòng đất dưới đáy biển, cũng như vùng trời trên các vùng nước đó.

Theo Công ước Luật Biển 1982, tại các eo biển quốc tế này, áp dụng nguyên tắc quyền quá cảnh. Tàu thuyền và phương tiện bay của các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và tự do hàng không chỉ với mục đích duy nhất là đi qua liên tục và nhanh chóng qua eo biển giữa một bộ phận của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế và một bộ phận khác của biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, đòi hỏi quá cảnh và liên tục và nhanh chóng không ngăn cấm việc đi qua eo biển để đến lãnh thổ của một quốc gia ven eo biển, để rời khỏi hoặc lại đến lãnh thổ đó, theo các điều kiện cho phép đến lãnh thổ của quốc gia đó.

Quyền quá cảnh này được áp dụng cho cả tàu thuyền và phương tiện bay. Tàu thuyền được hưởng quyền tự do hàng hải và phải tôn trọng các tuyến đường hàng hải và hệ thống phân chia luồng giao thông do các quốc gia ven eo biển xác lập phù hợp với các quy định quốc tế đã được công nhận chung. Các phương tiện bay thực hiện quyền tự do bay theo quy định của pháp luật quốc tế. Trong khi thực hiện quyền quá cảnh qua eo biển quốc tế, các tàu thuyền và phương tiện bay phải có nghĩa vụ:

- Không được có hoạt động nào khác ngoài những hoạt động cần thiết cho sự quá cảnh liên tục và nhanh chóng;

- Tuân thủ các quy định, thủ tục và tập quán quốc tế đã được chấp nhận chung về an toàn hàng hải nhất là Quy tắc quốc tế phòng ngừa đâm va trên biển, ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự ô nhiễm môi trường biển do các tàu thuyền gây ra;

- Các phương tiện bay phải tôn trọng các quy định về an toàn bay của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đề ra, phải thường xuyên liên lạc chặt chẽ và liên tục với cơ quan quản lý Vùng thông báo bay (FIR) do ICAO chỉ định;

- Tàu ngầm đi qua eo biển quốc tế ở trạng thái chìm cần duy trì liên lạc với tần số điện đài quốc tế về tình trạng nguy cấp.

Quyền và nghĩa vụ của các quốc gia ven eo biển

- Các quốc gia ven eo biển có thể ấn định các tuyến đường hàng hải và quy định cách phân chia luồng giao thông trong các eo biển quốc tế khi nhu cầu và hoàn cảnh thực tế đòi hỏi với điều kiện phải có thỏa thuận với tổ chức quốc tế có thẩm quyền;

- Có quyền đưa ra các văn bản pháp lý liên quan đến quyền quá cảnh qua eo biển. Quyền này chỉ được giới hạn trong các lĩnh vực sau:

+ Đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải;

+ Ngăn ngừa, hạn chế và chế ngự sự ô nhiễm môi trường biển;

+ Việc cấm đánh bắt hải sản đối với các tàu đánh bắt hải sản;

+ Việc xếp dỡ hàng hóa, tiền bạc hay đưa người lên xuống tàu thuyền trái với các quy luật và quy định hải quan, thuế khóa, nhập cư hay y tế.

- Các quốc gia ven eo biển có nghĩa vụ không được gây trở ngại cho việc quá cảnh, đồng thời phải thông báo đầy đủ về mọi mối nguy hiểm đối với hàng hải trong eo biển hoặc đối với lưu thông hàng không trên eo biển mà các quốc gia này đã xác định.

Công ước Luật Biển 1982 cũng có quy định riêng về chế độ đi qua không gây hại đối với các eo biển dùng cho hàng hải quốc tế có các đặc điểm: a) Nằm ngoài phạm vi áp dụng của chế độ quá cảnh theo Điều 38 khoản 1: eo biển do lãnh thổ đất liền của một quốc gia và một hòn đảo thuộc quốc gia này tạo thành và ở ngoài khơi hòn đảo đó có một con đường đi trên biển cả, hay có một con đường đi qua một vùng đặc quyền kinh tế cũng thuận tiện như thế về phương diện hàng hải và về các đặc điểm thủy văn; b) Nằm giữa một bộ phận của biển cả hay một vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của một quốc gia khác.

Trung Kiên
Bài viết, video, hình ảnh đóng góp cho chuyên mục gửi về banbientapcsb@gmail.com