13/10/2015 04:03:00 PM
(Canhsatbien.vn) -
Biên giới quốc gia là lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi nước. Đó là nơi xác định ranh giới lãnh thổ quốc gia và sự thể hiện chủ quyền của một quốc gia; đồng thời còn là nơi mang đậm dấu ấn về sức sống tinh thần và nền văn hóa của một dân tộc, là cửa ngõ để mở rộng giao lưu và hợp tác bạn bè khắp năm châu bốn biển.
Xưa nay, biên giới luôn là vấn đề nhạy cảm và phức tạp. Lấn chiếm và tranh chấp, xung đột và chiến tranh đã từng diễn ra trong quá khứ và đương đại. Đối với nước ta, có tuyến biên giới đất liền tiếp giáp với các nước láng giềng là Trung Quốc, Lào và Campuchia, dài khoảng 4.635 km; có tuyến bờ biển dài 3.260 km với hàng nghìn hòn đảo và vùng biển bao la tiếp giáp với nhiều nước trong khu vực nằm trên đường hàng hải quốc tế quan trọng.
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và an ninh trật tự trên các tuyến biên giới dài gần 8.000 km bao quanh đất nước là trực tiếp góp phần quan trọng vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta với tầm nhìn xa trông rộng đã có những chủ trương, quan điểm chỉ đạo công tác xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới hết sức kịp thời, đúng đắn và sáng tạo. Những quan điểm chỉ đạo đó luôn là kim chỉ nam cho mọi hoạt động xây dựng, tổ chức bảo vệ biên giới của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng đất nước.
1. Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định rõ biên giới quốc gia là địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng nước ta.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, tổ tiên ta đã sớm khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, coi biên giới là bờ cõi giang sơn, là phên dậu cửa ngõ của đất nước. Từ khi Đảng ta ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là sau khi nước nhà giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề biên giới; xác định đúng đắn vai trò quan trọng của biên giới gắn liền với độc lập dân tộc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Với đặc điểm biên giới nước ta có địa hình đa dạng, phức tạp, rừng núi trùng điệp, khe suối hiểm trở; bờ biển quanh co, có nhiều đảo và sông rạch, ở đó có 40/54 dân tộc anh em sinh sống (...) nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “...đồng bào miền núi chiếm 1 phần 5 tổng số nhân dân nước ta. Miền núi chiếm 2 phần 3 tổng diện tích nước ta và có hơn 3.000 cây số biên giới. Tục ngữ ta có câu “Rừng vàng biển bạc”, câu đó rất đúng. Miền núi có tài nguyên rất phong phú, có nhiều khả năng để mở mang nông nghiệp và công nghiệp. Những điểm đó nói rõ rằng miền núi có một địa vị cực kỳ quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của cả nước ta”.
Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ đạo dựa vào biên giới lập căn cứ cách mạng để hoạt động. Rừng Việt Bắc, rừng Tây Nguyên, miền Đông và bưng biền biển miền Tây Nam Bộ đã trở thành căn cứ, trở thành chiến khu vững chắc, vừa che chắn bảo vệ cơ quan đầu não của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vừa là điểm xuất phát khơi nguồn xây dựng lực lượng vũ trang ta lớn mạnh. Đúng là “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”. Đồng thời, ngay trong thời kỳ cách mạng Việt Nam còn trong những ngày đầu, biên giới nước ta còn là nơi liên lạc quốc tế đón nhận sự giúp đỡ chí tình của anh em bạn bè năm châu. Thời kỳ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, biên giới còn là hành lang huyết mạch, vừa là đường giao liên đưa đón cán bộ cách mạng, vừa là đường vận tải chiến lược có một không hai trong lịch sử đấu tranh của dân tộc ta. Biên giới, vùng biển Việt Nam đã tạo nên sự tích thần kỳ với đường Hồ Chí Minh xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, đường Hồ Chí Minh trên biển là thực tiễn cách mạng sinh động, tạo ra những đòn chiến lược quyết định để chiến thắng kẻ thù.
Ngày nay, biên giới vùng biển nước ta đang giữ một vai trò quan trọng trong việc mở cửa giao lưu quốc tế, vừa thắt chặt tình hữu nghị, hợp tác với các nước, vừa bảo đảm lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của Đảng và nhân dân ta... Tuy nhiên, cần nhận rõ biên giới cũng là chỗ hiểm yếu mà kẻ thù không ngừng lợi dụng để thực hiện mọi âm mưu, thủ đoạn phá hoại cách mạng nước ta. Do đó, biên giới còn là vị trí xung yếu, là nơi đọ sức giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng, giữa giữ vững độc lập chủ quyền với các cuộc tiến công xâm lược của kẻ thù. Với tầm nhìn sâu sắc, toàn diện và sự nhạy cảm chính trị xuất sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch rõ vấn đề có tính tất yếu đối với biên giới quốc gia là: Phải biết triệt để lợi dụng ưu thế của biên giới, nhưng đồng thời phải tiến hành song song với việc tổ chức bảo vệ biên giới chặt chẽ để giữ vững địa bàn chiến lược của cách mạng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là nhiệm vụ quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thấm thía nỗi đau của một dân tộc nô lệ bị mất nước, bị bọn thực dân chà đạp lên chủ quyền dân tộc, chia cắt lãnh thổ mới thấy hết giá trị lớn lao khi giành lại được chủ quyền, lấy lại được mỗi thước núi, tấc sông yêu quý của Tổ quốc. Vì vậy, Người luôn nhắc nhở các đơn vị, địa phương phải luôn coi trọng công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Người nói: “nơi biên giới, bờ biển, hải đảo, giới tuyến tạm thời là nơi thù trong giặc ngoài chống phá đất nước ta; là nơi nhiều đồng bào dân tộc sinh sống; cũng là nơi tài nguyên phong phú; biên giới lại tiếp giáp với các nước láng giềng. Từ đó bảo vệ biên giới là quan trọng”.
Tháng 2-1961, khi trở lại thăm tỉnh Cao Bằng - nơi mà năm 1941, sau bao nhiêu năm xa cách Tổ quốc, khi về đến biên giới Pác Bó, đặt chân lên cột mốc 108, Người đã từng bồi hồi xúc động. Người căn dặn quân dân trong tỉnh: “Đây là mảnh đất tuyến đầu biên giới, qua cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ nhưng rất anh dũng mới có độc lập, hòa bình, nên phải xây dựng và bảo vệ cho tốt”. Tháng 3-1961, về thăm bộ đội Hải quân, Người căn dặn: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Nhiều lần sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đến thăm các tỉnh biên giới và hải đảo như Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Quảng Ninh, đảo Tuần Châu, Ngọc Vừng... Đến đâu, Người cũng căn dặn phát triển sản xuất phải đi đôi với cảnh giác giữ nước, nhất là đối với địa bàn trọng yếu như biên giới, hải đảo. Người nói: “Giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khóa để ngăn ngừa bọn trộm cắp. Giữ nước càng phải cảnh giác để ngăn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả của cách mạng...”.
Đặc biệt, lần ra thăm đảo Cô Tô (ngày 9-5-1961), Người đã đồng ý để quân dân trên đảo dựng tượng của Người. Đây là lần đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được Người cho phép dựng tượng. Đó là nguồn tình cảm động viên to lớn, nhưng qua đó, còn nổi bật tầm tư duy chiến lược sâu xa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như gửi lại một lời nhắc nhở muôn đời thế hệ con cháu: Phải luôn ý thức được trách nhiệm quản lý bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, địa bàn chiến lược quan trọng của Tổ quốc mình.
Khi xác định kẻ thù của toàn Đảng, toàn dân phải đấu tranh ở biên giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: đó là “thù trong giặc ngoài”. Người phân tích: “Kẻ địch bên trong là bọn phản động, bọn phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kẻ địch bên ngoài là bọn đế quốc, bọn xâm lược”. Đấu tranh với các loại đối tượng nói trên là một cuộc chiến đấu gay go, quyết liệt và phức tạp. Vừa phải nêu cao ý chí dũng cảm, ngoan cường trực tiếp chiến đấu với hành động xâm lược của kẻ thù, vừa phải nêu cao cảnh giác, mưu trí sáng tạo vận dụng đối sách khôn khéo, sắc bén để đối phó với âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch trong nước.
Với quan điểm chiến tranh nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch rõ chỉ có phát huy được sức mạnh toàn dân, mà trước hết là nhân dân biên giới trực tiếp tham gia đấu tranh với địch thì nhiệm vụ bảo vệ biên giới mới thắng lợi.
Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của quân đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; là nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt. Ví dụ: một vạn công an thì chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động”.
Dựa vào dân để hoạt động là Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn chỉ ra cội nguồn sức mạnh, đồng thời Người còn phân tích sâu sắc “dựa vào dân” không chỉ để được dân giúp đỡ, đùm bọc, che chở mà còn phải biết tiến hành công tác giáo dục, vận động, tổ chức nhân dân, xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của quần chúng lớn mạnh để từ đó, nhân lên gấp bội sức mạnh vốn có của quần chúng nhân dân. Người nói: “Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được... ở nơi đồng bào thiểu số, ngày thường tìm mọi cách giáo dục, giúp đỡ và tổ chức họ…”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ngày đêm bám đất, bám dân, bám địa bàn, hòa mình với phong trào quần chúng, thực hiện “ba cùng” với nhân dân, tiến hành tuyên truyền, giáo dục đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tinh thần cảnh giác cách mạng và ý thức làm chủ bảo vệ biên giới cho mọi người. Tích cực tham gia củng cố cơ sở chính trị góp phần xây dựng và làm tham mưu cho tổ chức đảng, chính quyền địa phương, xây dựng các đoàn thể và lực lượng công an, dân quân trên các địa bàn lớn mạnh, thường xuyên xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, phát huy khả năng và uy tín của lực lượng cốt cán đầu dòng, đầu họ, già làng, trưởng bản tập hợp thành một lực lượng nòng cốt trung kiên phát huy tác dụng lớn trong vận động quần chúng trực tiếp tham gia xây dựng, bảo vệ biên giới.
Các hoạt động đó đã đưa lại hiệu quả to lớn xây dựng được phòng tuyến nhân dân với sức mạnh mới và đã được thử thách, tôi luyện qua các cuộc đấu tranh ở biên giới. Quần chúng nhân dân đã trở thành lực lượng cách mạng đầy mưu trí, sáng tạo cùng lực lượng vũ trang nòng cốt tấn công vào các loại đối tượng phản cách mạng, đồng thời kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong khi chỉ rõ quan điểm phát huy sức mạnh nhân dân trong đấu tranh với địch bảo vệ biên giới thì đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đề ra phải hết sức coi trọng việc tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới. Tổ chức lực lượng vũ trang chuyên trách có trình độ quân sự, nghiệp vụ chuyên sâu đáp ứng được đòi hỏi của yêu cầu quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia lâu dài là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta hết sức quan tâm.
Trên thế giới, quốc gia nào cũng xác định tính nguyên tắc tối cao của chủ quyền lãnh thổ quốc gia và xây dựng lực lượng biên phòng chuyên trách bảo vệ để thực hiện quyền lực của quốc gia đối với chủ quyền lãnh thổ nước mình. Một số nước tổ chức cảnh sát biên phòng đặt trong Bộ Quốc phòng, thời bình chuyển sang Bộ Nội vụ. Một số nước đặt lực lượng bảo vệ biên giới trực thuộc Chính phủ trực tiếp quản lý, chỉ đạo; một số nước khác lại giao lực lượng này cho Bộ Quốc phòng nhưng chỉ bảo vệ biên giới bằng biện pháp vũ trang, còn nhiệm vụ an ninh trật tự, thực thi pháp luật, kiểm soát xuất nhập cảnh lại giao cho Bộ Công an đảm nhiệm. Xuất phát từ thực tế kinh nghiệm và truyền thống, mỗi nước có mô hình tổ chức khác nhau nhưng để quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, nước nào cũng phải tổ chức ra lực lượng chuyên trách để quản lý, bảo vệ biên giới, đó là vấn đề có tính quy luật.
Đối với nước ta, về công tác biên phòng, ngay từ năm 1952, Trung ương Đảng đã nhận định: “Công tác biên phòng là một công tác khó khăn, phải giải quyết những vấn đề thuộc phạm vi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, phải giải quyết những vấn đề liên quan đến đường lối ngoại giao, pháp luật, chính sách dân tộc và tôn giáo...”8.
Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng, nắm bắt được quy luật, với sự sáng suốt nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề xuất với Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa III ra Nghị quyết số 58/NQTW ngày 19-11-1958 thành lập lực lượng vũ trang cách mạng chuyên trách công tác bảo vệ biên giới, bờ biển, giới tuyến quân sự tạm thời và các đơn vị công an biên phòng và cảnh sát vũ trang. Tới dự Lễ thành lập công an nhân dân vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Thành lập được lực lượng công an nhân dân vũ trang là một thành công về đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau giữa bộ đội và công an. Như vậy, ngay lúc đó đã có lực lượng quân đội, công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới nhưng Đảng và Bác Hồ vẫn quyết định tổ chức ra lực lượng công an nhân dân vũ trang - nay là bộ đội biên phòng, chuyên trách làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới để quân đội có điều kiện tập trung xây dựng tiến lên chính quy, hiện đại, công an tập trung vào nhiệm vụ an ninh, trật tự xã hội và khắc phục được tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Đây là sự kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng và an ninh, đối ngoại; tính chất vũ trang với biện pháp nghiệp vụ công an trong một lực lượng chuyên trách để chiến đấu chống bọn phản cách mạng, các nhóm tội phạm có vũ trang, bọn bạo loạn ở vùng biên giới. Phối hợp với các lực lượng vũ trang khác chiến đấu chống quân xâm lược gây xung đột vũ trang và tiến hành chiến tranh... để giữ gìn chủ quyền lãnh thổ và bảo vệ vững chắc an ninh khu vực biên phòng, đồng thời quan hệ với các nước láng giềng để xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị.
Về sự lãnh đạo của Đảng đối với công an nhân dân vũ trang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh công tác chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức chiến đấu và xây dựng bộ đội biên phòng phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện của Đảng…
3. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ ra sức xây dựng, củng cố biên giới vững mạnh là tạo cơ sở vững chắc cho thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên giới.
Bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, xây dựng chế độ mới, tạo lập cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, đem lại cơm no, áo ấm và cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân luôn là mục tiêu và nhiệm vụ trung tâm, xuyên suốt của cách mạng nước ta.
Phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, xã hội cho mọi miền đất nước, tạo ra sức mạnh vật chất, tinh thần to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là một trong những vấn đề chiến lược mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Đặc biệt, đối với miền núi, biển đảo, địa bàn hiểm yếu quan trọng, tạo ra được tiềm lực mạnh mẽ nơi đây vừa có ý nghĩa nâng cao được mức sống nhân dân, vừa giải quyết được vấn đề đoàn kết dân tộc, khơi nguồn động lực tăng cường sức mạnh cho phòng thủ đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.
Với quan điểm quần chúng, Đảng ta luôn gắn bó và thể hiện lợi ích nhân dân, vì dân, trong mọi chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, miền núi là địa bàn được đặc biệt ưu tiên với những chính sách thiết thực, cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính sách của Đảng và Chính phủ đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất: đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống đồng bào”9.
Xây dựng, củng cố biên giới vững mạnh, phải giải quyết từng mặt vấn đề, phải có bước đi thích hợp, nhưng chung lại, phải đạt tới sự toàn diện, đồng bộ để đem lại hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hóa chưa được nâng cao mấy”10. Bác còn dặn dò: “Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt”11.
Xác định vai trò, vị trí của địa bàn chiến lược và nhiệm vụ xây dựng, củng cố biên giới, thực hiện lời dạy của Người, toàn quân, toàn dân ta đã tích cực huy động sức người, sức của để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở biên giới về mọi mặt, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, góp phần làm thay đổi từng bước bộ mặt đời sống chính trị, văn hóa, xã hội của nhân dân các dân tộc ở biên giới.
Nhưng phải thấy hết những khó khăn, những khuyết điểm, thiếu sót của sự quan tâm chưa đúng mức, sự nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách đối với miền núi, vùng dân tộc chưa thống nhất chặt chẽ, còn phân tán và tùy thuộc vào lòng nhiệt tình, tự nguyện của mỗi cấp, mỗi ngành nên hiệu quả còn thấp. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, đảng viên các cấp, các ngành phải coi đó là một nhiệm vụ không chỉ trước mắt mà còn phải tiến hành thường xuyên, lâu dài.
Đối với các ngành Trung ương, Người nói: “Mỗi ngành, mỗi bộ ở trung ương cần phải nhận rõ phần trách nhiệm của mình đối với miền núi và chú trọng hơn nữa công tác ở miền núi”12. Đối với tỉnh, huyện, xã Người chỉ rõ: “cán bộ từ khu đến huyện cần phải ra sức giúp đỡ đồng bào rẻo cao nhiều hơn nữa”13. Đối với lực lượng vũ trang, Người chỉ thị: “Bộ đội ta trước đây đã ra sức giúp đỡ nhân dân, chiến đấu giết giặc... thì ngày nay càng phải ra sức gìn giữ an ninh trật tự, bảo vệ biên giới, bảo vệ cho đồng bào được yên ổn làm ăn... Bộ đội cần phải tham gia sản xuất… giúp đỡ đồng bào về mọi mặt”14.
Tư tưởng chỉ đạo đó thể hiện sự nhất quán, triệt để cách mạng về quan điểm quần chúng nhân dân, đồng thời thể hiện sâu sắc mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng và tạo sức mạnh cho bảo vệ biên giới và bảo vệ biên giới tốt là tạo điều kiện yên ổn cho xây dựng, phát triển biên giới như Người thường dạy: “Sản xuất và chiến đấu là hai mặt trận quan hệ rất mật thiết với nhau”15.
Qua quá trình thực hiện, sự chuyển biến mạnh mẽ của toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành với các chương trình phối hợp chặt chẽ, các kế hoạch, dự án đầu tư theo hướng ưu tiên… thực sự đã thúc đẩy công tác xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn miền núi, các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo của đất nước.
Đối với bộ đội biên phòng đã tích cực phối hợp cùng các cấp, các ngành và nhân dân tham gia chương trình định canh định cư, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo; tiến hành các dự án về nước sạch, giao thông, thủy lợi, điện thắp sáng, trồng rừng, xóa mù chữ, xây dựng các điểm sáng văn hóa... góp phần xây dựng làng bản tiến bộ, đổi mới, tạo cơ sở vật chất và động lực tinh thần để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân vững chắc, đấu tranh chống lại mọi âm mưu của địch, giữ biên giới hòa bình, ổn định trong mọi tình huống.
Làm tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố biên giới vững mạnh, quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc, thực hiện đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở chú ý thỏa đáng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân miền núi, miền xuôi, dân tộc, tôn giáo là tạo ra sức mạnh to lớn để chúng ta vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tăng cường đoàn kết quốc tế, giữ vững mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhân dân các nước, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng.
Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn chủ trương đẩy mạnh mối quan hệ đoàn kết hữu nghị với nhân dân thế giới. Vạch trần bộ mặt của bọn xâm lược, bao vây cô lập chúng về mặt chính trị trong các quan hệ quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và chính phủ các nước anh em, bạn bè, các tổ chức quốc tế và loài người tiến bộ, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để làm hậu thuẫn cho nhân dân ta giành thắng lợi trong chiến đấu và xây dựng đất nước là quan điểm ngoại giao xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người nói: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thiết tha mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tương trợ để xây dựng hòa bình thế giới lâu dài”16.
Nhân nghĩa, thủy chung là đạo lý văn hóa Việt Nam. Người luôn nhắc nhở nhân dân ta biết ơn nhân dân thế giới và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô, Trung Quốc đã giúp đỡ có hiệu quả to lớn đối với nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Người luôn hết lòng ủng hộ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng tình ủng hộ các cuộc đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới vì hòa bình và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt, đối với nhân dân các nước láng giềng có quan hệ mật thiết từ lâu đời, có truyền thống đoàn kết ủng hộ nhau trong chiến đấu chống kẻ thù chung cũng như lúc hoạn nạn, càng phải đoàn kết gắn bó với tình nghĩa anh em trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
Đối với nhân dân Lào, Người chỉ ra rằng: Những mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với Vương quốc Lào đều là quan hệ láng giềng tốt, dựa trên cơ sở năm nguyên tắc chung sống hòa bình. “Việt - Lào hai nước chúng ta, tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”. Đối với nhân dân Trung Quốc, Người nói: “… quan hệ giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc là quan hệ anh em, như môi với răng. Sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam là vô cùng quý báu và rất có hiệu lực”17. Đối với nhân dân Campuchia, Người nói rõ: Mối quan hệ láng giềng thân cận “sát vách liền bờ” cho nên: Nhân dân Việt Nam kiên quyết đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Khơme anh em trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. “Nhiệm vụ của chúng ta đối với các thế hệ tương lai là phải cùng nhau củng cố cơ sở của sự hợp tác, tin cậy và chân thành trong sự tôn trọng nền độc lập của nhau”18.
Những quan điểm chỉ đạo đó không chỉ nói lên tình đoàn kết hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng mà còn chỉ rõ mối quan hệ đó có tính đặc thù về truyền thống lâu đời, sát vách liền bờ, núi liền núi, sông liền sông, liên quan mật thiết rất nhiều về tập quán, phong tục, tình cảm, huyết thống dòng họ - nhất là nhân dân các dân tộc cùng sống chung liền kề ở hai bên biên giới. Thấu suốt sự chỉ đạo đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quán triệt quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước”, bộ đội Biên phòng đã luôn cùng nhân dân các nước bạn láng giềng xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, đặc biệt là sự phối hợp với chính quyền, nhân dân và lực lượng biên phòng các nước bạn láng giềng để phối hợp giữ gìn an ninh trật tự trên biên giới, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, tạo thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu hợp tác phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Sự quan tâm và những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi là những bài học sâu sắc đối với bộ đội Biên phòng và nhiệm vụ công tác biên phòng. Đó là những luận điểm cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong thời đại Hồ Chí Minh.
Để phát huy vai trò, chức năng của mình trong tình hình mới, nhất là đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bộ đội Biên phòng luôn nắm vững tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng, thực hiện tốt nhiệm vụ cơ bản, chủ yếu, thường xuyên của mình là quản lý, bảo vệ chủ quyền và giữ vững an ninh biên giới, vùng biển, hải đảo của Tổ quốc. Cùng toàn dân nêu cao cảnh giác, phòng chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của địch, phát hiện, ngăn chặn kịp thời mọi âm mưu hoạt động phá hoại của chúng, giữ vững sự ổn định chính trị trên các tuyến biên giới, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng, giữ “trong ấm ngoài êm”, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, mở cửa giao lưu với các nước bạn bè, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước thắng lợi.